(Vtrend.vn) Theo GS.TS Đào Văn Long, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng lên đến 70%. Đây là loại khuẩn có vai trò chính trong viêm dạ dày cấp và mãn tính, trong loét dạ dày tá tràng và trong ung thư dạ dày.
Ngày 13/5, tại Lễ công bố thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan mật được tổ chức tại Hà Nội, GS.TS Đào Văn Long cho biết, Việt Nam là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu thay đổi thất thường kèm theo tập quán ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, môi trường ô nhiễm… là những điều kiện thuận lợi cho bệnh tật, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa phát triển và biến đổi.
Theo đó, có trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP, một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.Tuy nhiên, nhiều người Việt vẫn có thói quen có bệnh tự chữa. Khi có dấu hiệu đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày.
Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn.
Để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết, làm các xét nghiệm khác.Hiện tại, công nghệ nội soi dạ dày rất hiện đại, có những máy nội soi có độ phóng đại xấp xỉ 300 lần kèm theo nhuộm màu ảo giúp tăng khả năng phát hiện ung thư đường tiêu hóa từ sớm.
Khi phát hiện sớm, tổn thương mới ở niêm mạc bệnh nhân sẽ không phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn mà có thể hớt tổn thương niêm mạc qua nội soi. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng.
Trên thế giới nhiều nước thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc gia, áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần. Tại Việt Nam, Long khuyến cáo với những người có bệnh lý đường tiêu hóa cần chủ động đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh.
GS Long cũng cung cấp thêm con số khoảng trên 10 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và C. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
Trong 10 loại ung thư phổ biến nhất thì có đến 4 loại ung thư liên quan đến tiêu hóa đó là gan, đại tràng, thực quản và tụy với tỷ lệ tử vong lớn nhất. Những bệnh liên quan tới rối loạn bài tiết axit dịch vị hoặc rối loạn tiêu hóa nhiễm khuẩn cũng gặp nhiều nhất.
Tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, BV ĐH Y Hà Nội, số bệnh nhân đến khám tiêu hóa chiếm từ 35% đến 40% tổng số bệnh nhân đến khám hàng ngày tại viện viện.
Trong khi đó lĩnh vực nội soi thì theo nghiên cứu và đánh giá sơ bộ của đại học Nagoya – Nhật Bản, công suất tại các bệnh viện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nội soi của người dân.
Theo dantri.com.vn
Minh Xuân