Như đã từng khẳng định trong một số bài trước đây đăng tải ở chuyên mục Góc nhìn VnReview, những đồng tiền ảo như Bitcoin, Tether, Ether, EOS, Bitcoin Cash… đúng hơn gọi là tiền kĩ thuật số, song nó vẫn hàm chứa yếu tố ảo nếu một ngày nào đó bạn không còn có thể giao dịch, như trường hợp đồng BitConnect (BCC) khi bị “sập sàn” hay giá trị giảm xuống gần 0USD/mỗi đồng BCC. Theo thống kê của Finder.com, tuần qua tính đến 25/6 có đến hơn 80% số tiền ảo lao dốc đến 19% giá trị, cùng với đó khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh.
Nỗi đau từ quả lừa mang tên tiền ảo Ifan và Pincoin vẫn còn đó với hơn 15.000 tỉ đồng của hơn 32.000 người chơi bị bốc hơi chẳng biết bao giờ mới lấy lại được. Cái chết của một sinh viên Hàn Quốc ở Busan khi đồng Bitcoin bị chao đảo với giá rơi thủng đáy 8.000USD khiến cậu thanh niên này thua lỗ và quẫn trí đã tự tử… Rất nhiều những hệ lụy và hậu quả đau lòng đến từ việc chơi các loại tiền ảo bị thua lỗ. Người chơi đa phần không am hiểu, ham hố vì được rủ rê hứa hẹn với mức lãi lên tới 30-40% mỗi tháng, nhưng khi bị sập bẫy rồi thì chỉ còn biết ôm sầu. Với những trường hợp có bằng chứng lừa đảo thì các cơ quan chức năng mới có thể khởi tố vụ án để điều tra xử lí. Song nhiều trường hợp nếu chỉ vì người chơi tham lãi suất cao thì chỉ còn nhận được về đau thương.
Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng tiền ảo không chết, cho dù giá đang lao dốc nhưng vẫn sẽ sống và sẽ có lúc hồi phục. Niềm tin đó được củng cố với trường hợp đồng Bitcoin đã tăng giá thần kì chỉ trong vài tháng trong năm 2017 từ mức hơn 3.000USD lên gần 20.000USD.
Nhiều sự giải thích mang tính thuyết âm mưu rằng vào thời điểm 2017 có những thế lực muốn đẩy thị trường tiền ảo mà điển hình nhất là Bitcoin đi lên để trục lợi, và sau khi giá đạt mức kì vọng thì bán ra, giống như cách đầu cơ chứng khoán ở bất cứ quốc gia nào vậy. Thế lực đó được cho rằng có sự nhúng tay của “phố Wall” chính là các tập đoàn ngân hàng – tài chính hùng mạnh. Các tập đoàn này có động thái “một mũi tên nhằm hai đích”: Thứ nhất là trục lợi được từ việc đầu cơ tiền ảo; Thứ hai là không để tiền ảo lấn át khi thị trường ngân hàng – tài chính truyền thống vẫn còn là cần câu cơm chính yếu mang tới hàng trăm tỉ USD lợi nhuận mỗi năm cho các tập đoàn tài chính – ngân hàng. Bởi nếu để cho tiền ảo mạnh lên với ưu thế thiết lập “mặt phẳng thanh toán” không tốn phí thì giới tài chính – ngân hàng còn ăn được gì?
Trên thực tế, một số thông tin rò rỉ từ nơi này hay nơi khác cho thấy cả “phố Uôn” hoặc các tập đoàn ngân hàng – tài chính ở các quốc gia có đầu tư vào các loại tiền ảo. Một số tập đoàn ngân hàng – tài chính còn là chủ sở hữu và chấp thuận cho thanh toán bằng loại tiền ảo và họ hậu thuẫn.
Theo một chuyên gia có kinh nghiệm chơi Bitcoin hơn 4 năm qua khá nổi tiếng trong giới này tại TP.HCM thì đó là một cách “nuôi” mang tính an toàn: Một là khoản đầu tư không quá lớn và tốn kém nhưng có thể thu lợi khi tiền ảo tăng giá; Hai là khi thời thế thay đổi tiền ảo trở thành phương thức thanh toán khá phổ biến thì các tập đoàn tài chính – ngân hàng có ngay phương tiện trong tay để chủ động phát triển kinh doanh chiếm lấy lợi thế trên thị trường; Ba là qua việc “nuôi” để luôn bắt nhịp được thị trường tiền ảo mà không bị tụt hậu.
Khi thế giới ngày nay đã thay đổi quá nhiều bởi các công nghệ mới và Internet thì có thể nói rằng không gì là không thể xảy ra ngay cả một tương lai tiền ảo thay tiền giấy, vàng và tiền tài khoản. Điều đó nhà quản lí và giới đầu tư cần sâu sát để không chỉ nâng cao nhận thức mà còn để mở rộng tầm nhìn. Song với giới đầu cơ kiếm lời (thị trường chứng khoán, vàng hay tiền ảo thì đại đa số là đầu cơ kiếm lời), sự tỉnh táo luôn cần thiết nhằm tránh đầu tư bầy đàn theo sự kháo nhau hay chạy theo lòng tham vô độ sẽ nhận lãnh hậu quả thua lỗ tan nát. Tiền ảo không đáng sợ. Điều đáng sợ chính là cách chúng ta nhìn nhận, ứng xử với nó như thế nào để luôn nắm được xu thế và không trở thành nạn nhân của lòng tham bầy đàn.
MIA
Theo cafef.vn