(Vtrend.vn) Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN FDI là rất lớn, nhưng nguồn cung đang thiếu hụt.

Đại diện Công ty Samsung Việt Nam cho biết, mỗi năm công ty tổ chức 2 kỳ tuyển dụng công khai đối với sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao và đến nay đã có gần 9.400 nhân viên được tuyển dụng qua kỳ thi này. Việc này nằm trong chiến lược mở rộng sản xuất kinh doanh của Samsung tại Việt Nam.

69% DN FDI cho rằng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao

Hiện tại, Samsung Việt Nam còn hợp tác với 9 trường đại học của Việt Nam trong việc đào tạo sinh viên chuyên về lập trình phần mềm, với mỗi năm khoảng 120 sinh viên ưu tú, đang học năm thứ 4 đại học. Dự kiến thời gian tới, Samsung tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động sản xuất tại Việt Nam nên nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam là rất lớn.

Không riêng gì Samsung, rất nhiều DN FDI đang có nhu cầu tuyển hàng nghìn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản cho nhiều vị trí khác nhau từ quản lý cấp cao cho đến đội ngũ công, nhân viên lành nghề. Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều tập đoàn, công ty lớn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính là nhu cầu về nguồn chất lượng cao trong nước chưa được đáp ứng kịp thời. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI (năm 2017) cho thấy, DN FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm.

Vì vậy, những DN này phải chi nhiều tiền hơn cho đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới. Cụ thể, chi phí trung bình cho hoạt động này chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.

“Việc tăng chi phí đào tạo này có thể là do sự dịch chuyển của DN sang hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi người lao động cần phải có chuyên môn sâu hơn. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy, trình độ tay nghề của lao động trong nước còn yếu kém”, các chuyên gia phân tích.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Lao động xã hội thì 2/3 số DN nói phần lớn người lao động Việt thiếu hụt kỹ năng về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác.

Trong đó, 69% DN FDI cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao. Rõ ràng, vấn đề này không thuộc về các DN, nhà tuyển dụng mà chính là do lực lượng lao động trong nước chưa thực sự nắm bắt được cơ hội, chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến.

Thực tế, lực lượng lao động phổ thông tại Việt Nam hiện khá dồi dào nhưng lao động có kỹ năng, tay nghề lại rất thiếu. Hay nói cách khác, đội ngũ lao động nước ta chỉ đông về số lượng, nhưng lại yếu về chất lượng, phần nhiều trình độ chuyên môn còn thấp, tay nghề và kỷ luật lao động không cao. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu và tác động không nhỏ đến việc thu hút vốn và công nghệ nước ngoài thông qua FDI.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, điều yếu kém này nếu không được khẩn trương khắc phục, cũng như có giải pháp căn cơ để thay đổi thì không những Việt Nam không thể tận dụng những cơ hội tốt về thu hút vốn và công nghệ qua FDI, mà còn có nguy cơ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam sẽ chuyển sang các nước khác.

Đồng thời, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa,  lực lượng lao động của các nước có sự cạnh tranh và dịch chuyển rất lớn; các tập đoàn, nhà tuyển dụng sẽ so sánh, cân nhắc để đầu tư vào quốc gia nào có nhiều lợi thế hơn về chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi, nguồn lao động địa phương…

Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải có giải pháp để tăng cường năng lực quản lý cho lao động, nâng cao năng lực cho lao động phổ thông Việt Nam và xây dựng các chiến lược đào tạo nhân sự để phát huy hiệu quả hoạt động cho các DN.

Theo thoibaonganhang.vn

Minh Xuân