Trong bảng xếp hạng top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất trong phiên giao dịch 12.5, có tới 6 cổ phiếu ngân hàng.
Phiên giao dịch ngày 12.5, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mẽ với sự lan tỏa đến hầu hết các nhóm cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 13 điểm, đóng cửa ở mức 1.269 điểm với độ rộng nghiêng hẳn về bên mua. Trên sàn HOSE có tới 309 mã tăng điểm trong khi chỉ có 102 mã giảm điểm. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng tăng mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu như TCB, STB và CTG,…. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt hơn 20.900 tỉ đồng ở phiên giao dịch 12.5 này. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu có thanh khoản vượt trội.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, STB dẫn đầu khối lượng khớp lệnh ở sàn HOSE trong phiên giao dịch 12.5 lên tới 59,4 triệu cổ phiếu. Phiên giao dịch này, cổ phiếu STB cũng tăng kịch trần. Đặc biệt, trong top 10 thanh khoản ở phiên giao dịch 12.5, có sự góp mặt của 6 cổ phiếu ngân hàng, bao gồm STB, VPB, TCB, MBB, CTG và LPB. Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm ngành dẫn dắt và nâng đỡ đà tăng điểm của VN-Index.
Có tới 6 ngân hàng có khối lượng khớp lệnh cao nhất trên sàn HOSE. Nguồn: HOSE. |
Số liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 80% trong quý I/2021. Theo VDSC, lợi nhuận của ngành ngân hàng cao trong quý I/2021 do chi phí dự phòng nợ xấu giảm mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã có một tháng giao dịch sôi động trước thông tin nhiều ngân hàng được thêm vào rổ chỉsố VN Diamond và kết quả kinh doanh quý I đầy tích cực. Ngoài ra, việc HOSE triển khai một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật đã giảm tải một phần tình trạng nghẽn lệnh kể từ ngày 12.4, và hỗ trợ đáng kể cho thanh khoản toàn thị trường cũng như tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng thì 2 cái tên sáng giá ngành thép là HPG và HSG cũng góp mặt vào top những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong phiên. Đối với ngành thép, giá thép được đẩy lên cao bởi tình trạng khan hiếm quặng sắt và việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng đầu ra. Mặc dù giá thép tăng mạnh đã giúp các nhà sản xuất thép trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021, nhưng giá thép tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xây dựng và nhà ở. Các ngành này hiện đang gánh sức ép từ việc giá thép tăng cao, nếu xu hướng này tiếp tục, các nhà xây dựng và phát triển bất động sản sẽ phải chịu áp lực đáng kể.