(Vtrend.vn) Tranh cãi bóc lột sức lao động hay lạm dụng tình dục liên tiếp gây chấn động Hàn Quốc. Đó là hai vấn đề lớn nhất các nghệ sĩ thường phải đối mặt khi bước vào môi trường giải trí.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi phong trào toàn cầu Me Too nhằm chống lại nạn lạm dụng tình dục lan tới Hàn Quốc, hàng loạt vụ việc bị phanh phui. Có những sự việc xảy ra từ cách đây 25 năm và có những người đang là ngôi sao hàng đầu, được cả nước yêu mến với danh xưng “ông bố quốc dân”.

Công chúng nước này bàng hoàng bởi lâu nay, môi trường giải trí tưởng chỉ có sự cạnh tranh, chèn ép thì hóa ra “dơ bẩn” hơn họ tưởng. Và đã đến lúc, những mối nguy hiểm ở môi trường giải trí khốc liệt được phơi bày.

Nghệ sĩ bị bóc lột sức lao động

PSY, Big Bang, SNSD, Super Junior hay Song Hye Kyo, Kim Tae Hee… đã trở thành biểu tượng mỗi khi công chúng nghĩ tới giải trí Hàn Quốc. Nhưng, thực tế họ chỉ là một số ít may mắn, có thể nổi tiếng, kiếm được hàng chục nghìn USD hoặc hơn thế. Họ là một phần rất nhỏ của ngành giải trí Hàn Quốc, đặc biệt với lĩnh vực âm nhạc, việc kiếm được tiền càng trở nên khó khăn.

Nhiều thần tượng thậm chí chưa được trả lương trong suốt nhiều năm hoạt động đã phải tan rã vì không đủ sức cạnh tranh ở ngành công nghiệp âm nhạc khốc liệt.

Đầu năm 2017, nghệ sĩ tự do Yi Rang đã gây chú ý trên mạng xã hội khi rao bán chiếc cúp của mình ngay sau khi cô nhận được giải thưởng tại Korean Music Awards.

“Thu nhập của tôi vào tháng 1 là 420.000 won (khoảng 370 USD)” cô nói, trước khi bắt đầu rao bán chiếc cúp.

“Thật may mắn, tôi đã kiếm được 960.000 won (840 USD) trong tháng hai. Thật khó kiếm sống khi là một nghệ sĩ. Rất tuyệt vời khi tôi nhận được giải thưởng này, nhưng nó cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ phải bán chiếc cúp này”, cô nói ngay trong lễ trao giải.

Fiestar ra mắt nhiều năm vẫn không được trả lương.

Một phần đáng báo động trong lĩnh vực giải trí Hàn Quốc chính là việc nghệ sĩ không được trả tiền cho công sức họ bỏ ra. Esssin, một ca sĩ indie cho biết khi nghệ sĩ hỏi về chi phí trước khi biểu diễn, ban tổ chức thường trả lời: “Sao cô dám đòi tiền? Cô nên biết ơn khi có cơ hội lên sân khấu”.

Cựu thành viên của một nhóm nhạc nam cũng chán nản chia sẻ: “Các ca sĩ không tên tuổi, thuộc công ty giải trí nhỏ hơn là những người dễ bị tổn thương nhất trong hệ thống sản xuất âm nhạc. Nhóm nhạc của tôi về cơ bản đã bị buộc phải hát miễn phí bởi công ty và nhà tổ chức sự kiện. Chúng tôi hoạt động nhiều năm mà không có thu nhập và cứ thế chờ đợi sự nổi tiếng trong vô vọng”.

Tương tự, Cao Lu – thành viên người Trung Quốc của nhóm nhạc Fiestar – cũng khẳng định cô chưa được trả lương sau 5 năm đầu hoạt động. Ngay cả nghệ sĩ trực thuộc công ty lớn như Jokwon (JYP) cũng không tránh khỏi tình huống không có lương. Anh làm việc không công trong suốt 2 năm đầu.

Bị bóc lột sức lao động nhưng không được trả lương đã trở thành một phần vấn đề trong các vụ tranh cãi giữa nghệ sĩ và công ty giải trí.

Ngô Diệc Phàm yêu cầu chấm dứt hợp đồng với công ty vì hợp đồng nô lệ.

Sau khi được tuyển chọn và tham gia quá trình huấn luyện khắc nghiệt, có thể kéo dài tới 10 năm, các thần tượng phải ký với công ty bản hợp đồng với nhiều điều khoản bất lợi cho nghệ sĩ mà công chúng hay gọi đó là “hợp đồng nô lệ”.

Thời gian hiệu lực của hợp đồng có thể kéo dài hơn một thập kỷ, và đó là lý do dẫn đến rất nhiều vụ kiện tụng giữa đôi bên.

Mới đây, Song Ji Eun – thành viên nhóm Secret – đâm đơn kiện công ty quản lý TS Entertainment. Lý do khiến đôi bên quyết định thanh lý hợp đồng là bởi sự thiếu minh bạch trong thu nhập.

Trước đó, Kris Ngô Diệc Phàm cũng đâm đơn kiện SM và yêu cầu thanh lý hợp đồng. Anh cho biết công ty bất công trong việc phân chia hợp đồng, ép ca sĩ “bán” sức lao động vì lịch trình quá bận rộn, tuy nhiên lại không chăm sóc các vấn đề sức khỏe.

Nguy cơ bị quấy rối tình dục

Trong thập kỷ qua, giải trí đã trở thành một trong những “cầu nối” quan trọng nhất của Hàn Quốc, biến nghệ sĩ, đặc biệt là giới thần tượng thành những biểu tượng của nền văn hoá pop mới nổi. Tuy nhiên, sự hào nhoáng của thị trường giải trí đồng thời làm tăng tính thương mại hóa tình dục, bên cạnh đó là vấn đề quấy rối, lạm dụng gây tranh cãi những ngày qua.

Phong trào Me Too nhằm vạch trần vấn nạn lạm dụng tình dục và bảo vệ quyền bình đẳng giới đang lan truyền ở Hàn Quốc. Hàng loạt vụ việc bị phanh phui. Sau tất cả, công chúng bàng hoàng nhận ra nạn nhân thường là những cô gái trẻ về cả tuổi đời lẫn kinh nghiệm sống trong môi trường giải trí, còn thủ phạm không ai khác lại chính là những nghệ sĩ nổi tiếng, những nhà quản lý công ty giải trí.

Ít nhất 4 sao nam đang vướng cáo buộc quấy rối tình dục. Họ là những gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình, trong đó, diễn viên kỳ cựu Cho Min Ki liên tục bị tố có hành vi sàm sỡ với học viên tại trường đại học ông tham gia giảng dạy.

Tình trạng quấy rối tình dục phổ biến nhất tại các công ty đào tạo diễn viên, ca sĩ. Một thực tập sinh từng khẳng định 8/10 công ty giải trí ở Hàn Quốc tồn tại vấn nạn này.

Jang Ja Yeon tự kết liễu đời mình sau nhiều lần bị ép quan hệ tình dục.

Từ năm 2010 đến 2012, giám đốc điều hành công ty Open World Entertainment Jang Seok Woo quấy rối 10 thực tập sinh nữ, trong đó 6 người chưa tới tuổi vị thành niên. Ông dùng thuốc ngủ để lừa các thực tập sinh, sau đó động chạm cơ thể họ. Các thực tập sinh trẻ cũng bị ép quan hệ với những người có chức quyền trong lĩnh vực giải trí.

Năm 2009, nữ diễn viên Boy Over Flower, Jang Ja Yeon tự tử và để lại bức tâm thư kể việc cô bị ép quan hệ tình dục hơn 100 lần với 31 nhân viên cấp cao, đạo diễn đã gây chấn động.

Từ đó đến nay, khi hàng loạt vụ việc tiếp tục bị khui ra, showbiz Hàn càng bộc lộ những mặt trái nguy hiểm, luôn rình rập nghệ sĩ, đặc biệt là những gương mặt trẻ.

Bị bóc lột sức lao động và nguy cơ quấy rối tình dục là hai vấn đề đáng lo ngại nhất ở môi trường giải trí. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Hàn Quốc phải chịu rất nhiều sức ép khác bởi các quy tắc nghiêm ngặt hay từ fan cuồng, anti-fan. Sự dồn ép từ quá nhiều vấn đề, bao gồm cả những bình luận tiêu cực từ mạng xã hội có thể khiến nghệ sĩ rơi vào trầm cảm, cuối cùng tự kết liễu đời mình.

Năm 2017, công chúng Hàn Quốc chứng kiến sự ra đi của hai nghệ sĩ trẻ là Jong Hyun – thành viên nhóm SHINee – và nam diễn viên Jeon Tae Soo. Cả hai trước khi tự tử đều có thời gian dài chiến đấu với căn bệnh trầm cảm vì những áp lực từ môi trường giải trí.

MIA

Theo Zing