Cựu giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn kêu oan, nói đã tham mưu cho thành phố duyệt bán dự án của Sagri đúng quy định, không phải “do nể nang”.

Chiều 9/6, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục xem xét kháng cáo của ông Trần Trọng Tuấn; Trần Vĩnh Tuyến (57 tuổi, cựu phó chủ tịch TP HCM); Lê Tấn Hùng (59 tuổi, cựu tổng giám đốc Sagri) và các bị cáo khác. Họ bị toà sơ thẩm buộc tội do sai phạm trong việc Sagri chuyển nhượng dự án tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) với giá rẻ cho Tổng Công ty Phong Phú, gây thiệt hại 348 tỷ đồng ngân sách.

Trong đó, ông Trần Trọng Tuấn kêu oan bản án 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí. Tuy nhiên, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị toà không chấp nhận, bởi có căn cứ xác định bị cáo phạm tội. Bị cáo với tư cách là Giám đốc Sở Xây dựng, phải biết dự án Sagri trước khi chuyển nhượng phải đấu giá, thẩm định giá… nhưng đã bỏ qua các thủ tục, ký tờ trình tham mưu cho UBND thành phố chấp thuận. “VKS ghi nhận trong quá trình công tác bị cáo có nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều bằng khen, nhưng với thái độ chối bỏ trách nhiệm thì cần có bản án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”, đại diện VKS nêu quan điểm.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Nguyệt Nhi

Bị cáo Trần Trọng Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm chiều 9/6. Ảnh: Nguyệt Nhi

Tự bào chữa, ông Tuấn giữ nguyên quan điểm “bị oan” như lần xét xử sơ thẩm. “Tôi kêu oan không phải là không thành khẩn, cố chấp để bảo vệ cái sai. Mà tôi cho rằng dự án này không phải đấu giá”, ông Tuấn nói.

Theo bị cáo, việc Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP HCM phê duyệt chuyển nhượng dự án không phải là nguyên nhân dẫn đến sai phạm tại Sagri, mà do doanh nghiệp này đã không chấp hành chỉ đạo của thành phố như trong quyết định số 6077.

Cụ thể là, sau khi UBND TP HCM ra quyết định, Sagri phải thực hiện thủ tục thẩm định giá để xác định giá trị toàn bộ vốn đầu tư, phản ánh đầy đủ giá trị thực tế của doanh nghiệp – làm cơ sở ký hợp đồng chuyển nhượng. “Quyết định này là văn bản hành chính cá biệt của cơ quan nhà nước cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản, chứ không phải cho phép chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài”, cựu giám đốc Sở Xây dựng trình bày.

Ở căn cứ kêu oan thứ hai, ông Tuấn cho rằng, khi phát hiện sai phạm Sagri đã hủy hợp đồng với Phong Phú. Doanh nghiệp chủ động sửa sai và hậu quả đã được khắc phục trước khi khởi tố vụ án. Tài sản nhà nước không bị thất thoát từ việc chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà Sagri đã đầu tư trong dự án này.

“Bản án sơ thẩm cũng không buộc bị cáo nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án này”, bị cáo Tuấn nêu, đồng thời khẳng định mình không thể phạm tội theo Điều 219 Bộ luật Hình sự – là loại tội phạm cấu thành vật chất (bắt buộc phải có thiệt hại xảy ra).

Trước đó, trả lời chủ tọa về lý do “tại cơ quan điều tra đã nhận tội do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy)”, bị cáo Tuấn cho rằng: “Nếu lúc đó tôi không nhận thì bị cho là ngoan cố, có nguy cơ bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh:Nguyệt Nhi

Ông Trần Vĩnh Tuyến tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Nguyệt Nhi

Đối với cựu phó chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến, đại diện VKS cho rằng bị cáo là người có trình độ, trải qua nhiều cương vị công tác, buộc phải biết việc chuyển nhượng phải đấu giá, thẩm định giá và thực hiện đúng các thủ tục về đất đai, bất động sản… Nhưng trong vụ án này bị cáo lại căn cứ vào tham mưu của Sở Xây dựng, chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án sai quy định.

Đánh giá hành vi của ông Tuyến là nghiêm trọng, song VKS cũng nghi nhận bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị HĐXX giảm mức án từ 6 tháng đến một năm tù.

Quan điểm này cũng được VKS áp dụng với ông Lê Tấn Hùng – người có vai trò cầm đầu vụ án. Đối với 2 bị cáo khác, VKS đề nghị tòa bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng phải xác định thiệt hại vụ án là 672 tỷ đồng – tương đương giá trị chuyển nhượng dự án tại thời điểm khởi tố vụ án, chứ không phải là 348 tỷ đồng (thời điểm xảy ra sai phạm) như phán quyết của tòa sơ thẩm.

TAND Cấp cao sẽ tuyên án vào ngày 15/6.

Bản án sơ thẩm hồi tháng 12/2021 xác định, dự án tại phường Phước Long B, quận 9 được UBND TP HCM giao cho Sagri (100% vốn Nhà nước) quản lý. Ông Tuyến, Tuấn cùng các cán bộ đã thiếu sót trong việc thẩm định hồ sơ, tham mưu, ký duyệt cho Sagri chuyển nhượng dự án khi chưa thực hiện các bước theo quy định. Việc này đã tạo điều kiện cho ông Hùng và cấp dưới hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng dự án.

Ngoài ra, khi còn là Tổng giám đốc Sagri, ông Hùng đã chỉ đạo cấp dưới rút 13,3 tỷ đồng của công ty “cho nhân viên đi học tập ở nước ngoài” nhưng thực tế không có chuyến đi nào được thực hiện.

Với các hành vi trên, ông Tuyến, Tuấn cùng bị phạt 6 năm tù. Ông Hùng nhận 11 năm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; 14 năm về tội Tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 25 năm tù. 16 bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.

Thảo Mi