Với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là cơ hội to lớn cho ngành du lịch bứt phá nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước

Ngày 5/7, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam và triển khai “Kế hoạch Hành động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, đây được xem là Hội nghị đầu tiên cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành du lịch Việt Nam, cùng với Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 04/7/2023 đều hướng tới mục tiêu để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn giản- Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỷ đồng trong năm 2022; 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có; các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải… chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ…; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Cơ hội cho ngành du lịch bứt phá - Ảnh 2.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam chịu tác động tiêu cực nặng nề, đẩy lùi sự phát triển của ngành du lịch hàng chục năm. Với sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng đã được ban hành trong 3 năm qua cho ngành du lịch đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với ngành.

Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

“Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận thức sâu sắc đây là cơ hội to lớn cho ngành du lịch và cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, ông Vũ Thế Bình cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Hoạt động này thể hiện sự thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là Hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch.

Ông Vũ Thế Bình kêu gọi sự tham gia và đồng lòng của hệ thống doanh nghiệp du lịch cả nước trong việc triển khai kế hoạch hành động này, đưa các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành các hành động cụ thể trong hoạt động của các doanh nghiệp, mang lại kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp và cho ngành du lịch Việt Nam.

Diệp Anh

Báo Chính Phủ